Nhìn từ thế giới và thực tế tại một số địa phương trong cả nước cho thấy, đầu tư cho du lịch nông nghiệp với mô hình hợp tác xã (HTX) làm chủ đạo sẽ giúp nâng tầm giá trị nông sản bản địa. Không chỉ mang lại thu nhập ổn định, loại hình du lịch nông nghiệp còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo của địa phương.
Công nghiệp không khói
Theo định nghĩa của các chuyên gia kinh tế, du lịch nông nghiệp gồm 4 thành tố chính: kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách tham quan các hoạt động nông nghiệp; tăng thu nhập cho nông dân và giúp du khách trải nghiệm cuộc sống nhà nông. Từ đó, gián tiếp góp phần nâng cao giá trị nông sản bản địa.
Du lịch nông nghiệp đã manh nha từ thế kỷ 19, nhưng phải đến đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, loại hình này mới phát triển mạnh ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Canada là nước sớm nhất công bố những đạo luật để kích thích du lịch nông nghiệp. Từ năm 1961, nước này đã quy hoạch đất nông nghiệp và chỉ rõ những loại tài nguyên thích hợp để sử dụng cho mục đích giải trí ngoài trời. Dựa vào đó, các thành phố sẽ có những chương trình hành động cụ thể, phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội.
Năm 1976, tại Pháp, Chính phủ kết hợp với Hội nông dân đồng triển khai và tổ chức du lịch nông nghiệp. Trong hơn một năm, khoảng 100 chiến dịch đã được chính phủ Pháp phát động ở khắp các miền quê. Kết quả là 6 năm sau, 25% khách du lịch khi tới Pháp chọn các chuyến nghỉ dưỡng hướng về nông thôn. Thói quen ấy vẫn được giữ gìn tới bây giờ.
Tại Áo, du lịch nông nghiệp được tổ chức chuyên nghiệp, bài bản, dù nông dân nước này chỉ chiếm 3% dân số. Israel xem du lịch nông nghiệp là hình thức giáo dục bắt buộc từ sớm cho trẻ em. Còn tại Mỹ, quốc gia có nền nông nghiệp phát triển bậc nhất thế giới, hàng năm người dân chi ngót nghét 1 tỷ USD cho các hoạt động liên quan tới du lịch nông nghiệp.
Trên xu hướng chung của thế giới là thu hẹp diện tích đất canh tác đất nông nghiệp, tối đa hóa lợi nhuận cho từng tấc đất được coi là nhiệm vụ sống còn cho các quốc gia. Điều này thể hiện rõ ở Nhật Bản, đất nước thường bị ảnh hưởng bởi thiên tai và luôn quản lý chặt chẽ nguồn đất đai. Tính đến hết năm 2018, du khách nước ngoài chi tiêu hơn 9 tỷ USD trong các khu vực nông thôn, tăng hơn 50% so với trước đó ba năm.
Đầu tư càng nhiều, giá trị càng tăng
Trên thế giới, nhiều nước hiện cũng đã nâng cao được giá trị nông sản nhờ phát triển du lịch nông nghiệp; không chỉ đóng góp đáng kể vào GDP, còn giúp kéo dài mùa vụ cho bà con nông dân, nhất là vào thời điểm giáp hạt, trái mùa. Tiêu biểu như tour tham quan trang trại cà phê Chiangmai (Thái Lan) có giá 54,55 USD, tương đương 1,4 triệu đồng/người/6 giờ. Tour du lịch trải nghiệm làm nông dân ở Hang Tueng Farmstay And Workshop Chiang Mai (Thái Lan) cũng có mức giá 54,55 USD/người/3 giờ.
Điều đó cho thấy, du lịch nông nghiệp là con đường hiệu quả để nâng giá trị nông sản địa phương. Và gắn nông nghiệp với du lịch trải nghiệm “sâu” với nông thôn, nông nghiệp là điều tất yếu.
Trước đây khi chưa đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với nông thôn, nông dân, thành viên HTX phần lớn chỉ trồng nông sản và bán thô. Khi đó, giá bán hàng hóa chỉ tính bằng giá nông sản cộng với công trồng.
Nhưng khi phát triển du lịch nông nghiệp, HTX không chỉ trồng, mà đã biết sơ chế để bán nông sản sơ chế. Lúc này, giá hàng hóa sẽ cao hơn so với bán sản phẩm thô nhưng chỉ nhỉnh hơn một chút vì giá hàng hóa được tính bằng giá trị nông sản cộng với công trồng và công sơ chế.
Hiện nay, nhờ phát triển du lịch nông nghiệp theo chiều sâu, nhiều HTX đã biết trồng, sơ chế, tinh chế từ đó bán sản phẩm tinh chế. Lúc này, giá hàng hóa cao hơn khi không chỉ tính bằng giá trị hàng hóa, công trồng, công sơ chế, chế biến mà còn tính cả công làm bao bì, quảng cáo.
Đặc biệt, khi HTX không dừng ở trồng, chế biến, tinh chế nông sản mà còn kết hợp với làm các tour du lịch thì chắc chắn giá trị thu về còn cao hơn nhiều lần vì có kèm cả giá của câu chuyện sản phẩm, xây dựng thương hiệu và phát triển các tour.
“Khi nghe câu chuyện sản phẩm, được trực tiếp tham gia các công đoạn tạo ra sản phẩm, khách hàng sẵn sàng mua với giá cao vì khi đó, họ hiểu được giá trị của nông sản”, ông Phạm Thanh Tùng, Viện phó Viện Kinh tế và Du lịch Nông nghiệp phân tích.

Đồng chí Tăng Quốc Lập - Phó Chủ tịch UBND thành phố Long Khánh phát biểu
tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND thành phố với cán bộ, đoàn viên, thanh niên
về hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp gắn với du lịch sinh thái vườn (ngày 27/12/2024)
Chú trọng phát triển sản phẩm đặc trưng
Đồng Nai là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất vùng Đông Nam Bộ. Những năm qua, diện tích trồng cây ăn quả không ngừng tăng lên. Nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả bên cạnh hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, đã và đang phát triển du lịch nông nghiệp. Việc đầu tư khai thác du lịch miệt vườn có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với chỉ phát triển canh tác thuần túy. Phát triển du lịch nông nghiệp sẽ nâng cao giá trị nông sản bản địa, thu nhập cho người dân. Nhưng làm sao để phát triển mô hình này một cách hiệu quả, chuyên nghiệp là vấn đề vẫn còn băn khoăn.
Hiện nay, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có nền tảng cơ bản từ những sản phẩm nông sản đặc trưng kết hợp với du lịch nông nghiệp như Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp ca cao Suối Cát, huyện Xuân Lộc đang dần chuyển đổi sang canh tác hữu cơ kết hợp với du lịch; tạo điểm đến lý tưởng cho học sinh, sinh viên và khách du lịch có những trải nghiệm thú vị với quy trình sản xuất và canh tác ca cao hữu cơ để bảo vệ người sản xuất, bảo vệ người tiêu dùng và góp phần bảo vệ môi trường.
Hợp tác xã Nông nghiệp nuôi Ong - TMDV Hàng Gòn, thành phố Long Khánh liên kết với các công ty lữ hành du lịch, các hiệp hội Doanh nghiệp, các trường học… để đưa các đoàn khách tham quan, trải nghiệm nghề nuôi ong mật tại địa phương; nhờ đó mà nghề nuôi ong của địa phương ngày càng được phát triển, giúp nâng cao thu nhập cho hàng chục hộ dân và tạo công việc cho hàng chục lao động ở địa phương.
Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc với hướng phục vụ du khách tham quan các nhà vườn. Đây là tổ hợp tác du lịch sinh thái đầu tiên của huyện Xuân Lộc và sẽ là điểm đầu tiên hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch OCOP cho Xuân Lộc. Khách du lịch vừa có thể trải ngiệm, vừa có thể tự tay thu hoạch trái cây và mua làm quà cho người thân.
Thực tế từ các mô hình HTX nêu trên cho thấy, những HTX này đã làm rất tốt trong việc kết nối sản phẩm bằng du lịch, tạo ra các trải nghiệm ấn tượng cho du khách, giúp người dân nâng cao thu nhập và đời sống.
HTX có thể không cần quá nhiều mà tập trung làm ra một sản phẩm tốt nhất nhưng phải có cách đưa nó có chỗ đứng nhất định trên thị trường bằng cách xây dựng thương hiệu, đầu tư bao bì, câu chuyện… mới thu hút được khách đến trải nghiệm mua hàng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là để nâng cao được vị thế của những nông sản này là các HTX làm trong lĩnh vực này cần thiết kế tour du lịch nông nghiệp trải nghiệm gắn với văn hóa bản địa. Đồng thời cần tạo ra mô hình quản trị, điều hành tour du lịch nông nghiệp tại địa phương một cách phù hợp, bài bản và chuyên nghiệp bằng cách liên kết với các công ty lữ hành ở địa phương và trên toàn quốc.
Một vấn đề nữa hiện nay là cơ sở hạ tầng tại các vùng nông thôn chưa phát triển, chưa đáp ứng được sự phát triển của du lịch nông nghiệp. Chính vì vậy, muốn các HTX phát triển được các tour du lịch nông nghiệp cần có sự tham gia của chính quyền địa phương trong đầu tư kết cấu hạ tầng, quảng bá, xúc tiến kết nối về du lịch bằng những chính sách cụ thể. Đồng thời, thúc đẩy mạnh hơn nữa Chương trình OCOP để tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất khai thác tiềm năng của các đặc sản, sản phẩm nông thôn tiêu biểu, đặc trưng.
Hiện nay, tốc độ đô thị hóa ở khu vực Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhanh, nhiều người dân sẽ có nhu cầu du lịch. Với vị trị địa lý thuận lợi, gần TP. Hồ Chí Minh nên cơ hội mở rộng du lịch nông nghiệp ở Đồng Nai rất lớn. Từ hiệu quả của mô hình kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch cho thấy, du lịch nông nghiệp ở Đồng Nai nếu được khai thác tốt sẽ giúp nâng tầm giá trị nông sản; đời sống của nhiều người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt./.
Thanh Hiền