Hội nghị thường niên năm 2025 Tổ chức Hợp tác nông dân Châu Á (AFGC) tại Việt Nam được diễn ra vào sáng ngày 25/3/2025 tại Hà Nội nhằm tháo gỡ những khó khăn về sự sụt giảm số lượng lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao đang ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Quang cảnh Hội nghị Thường niên năm 2025 Tổ chức Hợp tác nông dân Châu Á
Tổ chức Hợp tác nông dân châu Á (AFGC) được Liên hiệp Trung ương các hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản (JA-Zenchu) khởi xướng thành lập tại Tokyo, Nhật Bản năm 1999 nhằm trao đổi thông tin và kinh nghiệm phát triển nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ cải thiện thu nhập và đời sống nông dân; ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các tổ chức thành viên.
Thành viên của AFGC là các tổ chức hợp tác xã (HTX) và tổ chức đại diện nông dân cấp quốc gia từ 11 nước và vùng lãnh thổ tại khu vực châu Á, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc).
Để thúc đẩy một nền nông nghiệp bền vững, phát triển theo chuỗi giá trị thì việc song hành cần phải làm là phải đảm bảo tính bền vững của lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vì đây là ngành có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhất là các nước Châu Á. Giám đốc điều hành Liên hiệp Trung ương các Hợp tác xã Nhật Bản nhấn mạnh: “Cần thảo luận về tính di cư của các nước dẫn đến thiếu hụt lao động trong nông nghiệp ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là khu vực châu Á”.
Chia sẻ tại hội nghị, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, cho biết trong bối cảnh toàn cầu đang tích cực hưởng ứng Năm Quốc tế Hợp tác xã 2025, một trong những vấn đề mà khu vực châu Á quan tâm đó chính là sự giảm sút số lượng lao động những năm gần đây. Điều này do việc chuyển dịch lao động từ nông thôn ra thành thị, sự chuyển dịch việc làm, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp… Do đó, nâng cao số lượng lao động chính là đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, từ đó góp phần thúc đẩy nông nghiệp và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế của các nước.
Giám đốc điều hành Liên hiệp Trung ương các Hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản, ông Norikazu Toma, cho biết biến đổi khí hậu, sụt giảm nông sản, biến động giá cả nông sản…đặt nhiều thách thức cho những người nông dân, HTX nông nghiệp. Đặc biệt, giá phân bón, giống, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thời gian gần đây đang tăng lên, đặt ra những khó khăn nhất định cho hoạt động sản xuất, phát triển các chuỗi giá trị bền vững. Hiện nay, số người làm nông nghiệp trên thế giới đang chiếm 60%, lĩnh vực này đang tạo việc làm cho khoảng 800 triệu người trên toàn thế giới, trong đó phần lớn là ở châu Á. Do đó, đảm bảo cuộc sống của nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp là rất quan trọng.
Theo thống kê tại hội nghị, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất & xuất khẩu nông sản. Lao động nông nghiệp chiếm khoảng 40% lực lượng lao động cả nước. Nông nghiệp đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế, được coi là trụ đỡ, đặc biệt trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu. Để phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người nông dân. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đầu tư vào các mô hình sản xuất tiên tiến là chìa khoá để thu hút và giữ chân lực lượng lao động nông nghiệp, hợp tác xã.
Hương Nguyễn (tổng hợp)