“Kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu hướng phát triển tất yếu, khách quan, là thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân”. Đây là chủ trương lớn, nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã (HTX), đã có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, song vẫn còn một số hạn chế chậm được khắc phục. Để kinh tế tập thể phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai, cần thực hiện nhiều giải pháp, tạo đột phá, khơi thông điểm nghẽn, phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế.
Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực chịu nhiều tác động của bất ổn chính trị, biến đổi khí hậu, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; bên cạnh xu thế liên kết và tự do hóa thương mại vẫn là chủ đạo, nhiều nước tăng cường bảo hộ thương mại; khoa học, công nghệ, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số phát triển nhanh, mạnh. Đối với tỉnh Đồng Nai tăng trưởng kinh tế chưa thật sự ổn định, các tiềm năng lợi thế của tỉnh mặc dù đã được nhận diện nhưng hiệu quả khai thác còn hạn chế; tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu....
Trong bối cảnh đó, khu vực KTTT, HTX của tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu, liên kết, vượt khó, tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng: (1). Công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt và xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện được chỉ đạo triển khai sâu rộng, thường xuyên, liên tục, nhiều hình thức sinh động, sáng tạo thể hiện quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ. (2). Công tác thể chế hóa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước được quan tâm thực hiện theo hướng vận dụng tốt chính sách của Trung ương, gắn với yêu cầu thực tiễn và ưu tiên bố trí nguồn lực của địa phương để hỗ trợ tích cực cho khu vực KTTT, HTX phát triển. (3). Công tác quản lý Nhà nước về KTTT được tăng cường, tạo được sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm giữa các ngành, các cấp, sâu sát với cơ sở, kịp thời nắm bắt, xử lý các hạn chế, tồn tại, hỗ trợ thúc đẩy nhân tố tích cực phát triển. (4). Vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, Liên minh Hợp tác xã tỉnh trong phát triển KTTT được tăng cường. (5). Đã từng bước xác lập môi trường thể chế và tâm lý xã hội thuận tiện cho KTTT, HTX phát triển. (6). Kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển trên địa bàn cả tỉnh và ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội (thể hiện rõ ở các kết quả: (a) Số lượng HTX, tổ hợp tác (THT) phát triển mới ở tất cả các địa phương, đa dạng về loại hình, lĩnh vực hoạt động; thu hút và phát triển thành viên; (b) Các THT, HTX nông nghiệp có xu hướng phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm; đóng góp quan trọng trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; (c) Hầu hết các loại hình HTX phi nông nghiệp đều tăng trưởng, đổi mới phương thức hoạt động, sản xuất kinh doanh nhằm thích ứng yêu cầu thị trường; (d) Tổ chức sản xuất của THT, HTX, chuyển đổi gắn với quy hoạch vùng sản xuất, sản xuất vùng nguyên liệu tập trung; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ thành viên; phát triển quy mô, thu hút thành viên, đẩy mạnh liên kết; (e) Kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao nhận thức của xã hội và hệ thống chính trị đối với KTTT, HTX).
Tuy nhiên, thực tế hoạt động của khu vực KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn, thách thức: KTTT, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của các địa phương. Nhiều HTX có quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp; sử dụng công nghệ lạc hậu, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; khả năng tiếp thị, xúc tiến thương mại, tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi số và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Một số HTX ngừng hoạt động nhưng chưa giải thể hoặc phá sản theo quy định; một số HTX hoạt động kém hiệu quả, còn hình thức, chưa đúng với bản chất HTX kiểu mới. Mối liên kết giữa các HTX với nhau; giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn nhiều hạn chế, chưa chặt chẽ, chưa phát huy đúng mức lợi thế của từng thành phần kinh tế, từng loại hình tổ chức kinh doanh trong các chuỗi giá trị sản phẩm.

Ông Đỗ Phước Dũng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã tỉnh lần thứ XI
Năm 2025 là năm quan trọng, năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XIV của Đảng, cũng là năm tiến hành Đại hội đại biểu Liên minh Hợp tác xã tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2025 - 2030, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tiếp tục phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương phấn đấu đưa kinh tế tập thể tỉnh Đồng Nai đạt được những kết quả chủ yếu như sau:
1. Phát triển KTTT, HTX nhanh, hiệu quả và bền vững; đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác ở các ngành nghề, lĩnh vực, tầng lớp nhân dân, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phù hợp với điều kiện của các địa phương; đẩy mạnh thu hút hộ cá thể tham gia, chú trọng phát triển số lượng, quy mô, chất lượng và hiệu quả của HTX, liên hiệp HTX, THT sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, cải thiện môi trường và phát triển tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội.
2. Định hướng phát triển kinh tế hợp tác, HTX phải gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phải trên cơ sở nắm bắt được các nhu cầu của xã hội, của người lao động, tổ chức, vận động xây dựng các mô hình THT, HTX kiểu mới thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, lấy lợi ích của các thành viên làm động lực chính để có sức thu hút lôi cuốn người lao động tham gia; hoạt động của các HTX phải thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Luật Hợp tác xã năm 2023.
3. Chú trọng công tác sơ, tổng kết và nhân rộng mô hình các HTX điển hình tiên tiến; xây dựng các mô hình HTX kiểu mới để rút kinh nghiệm và nhân rộng; xây dựng mô hình điểm để phát triển đa dạng các loại hình HTX phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội ở mỗi vùng; đánh giá kết quả xây dựng THT, HTX tại các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để rút kinh nghiệm, củng cố, phát triển.
4. Đẩy mạnh triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương và tỉnh (cụ thể như: Luật Hợp tác xã năm 2023, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) và Kế hoạch số 227-KH/TU của Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW; Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030....) và tham mưu bố trí các nguồn lực để tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho kinh tế tập thể phát triển.
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã khẳng định "Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân". Vì vậy, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Nai đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức kinh tế tập thể; giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển KTTT, làm cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với thành phần KTTT, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; triển khai hiệu quả các chương trình tư vấn, hỗ trợ KTTT, HTX phát triển ngang tầm với tiềm năng và lợi thế của tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn tới./.
Đỗ Phước Dũng