KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
(19/5/1890 - 19/5/2025)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác xã là một bộ phận quan trọng trong hệ thống di sản to lớn, khoa học về cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực chất đây là tư tưởng cách mạng trong lĩnh vực tổ chức sản xuất từ điều kiện Việt Nam. Nó không chỉ là cách mạng ngay trong khi công cuộc giải phóng dân tộc chưa hoàn thành, sau khi đã giành thắng lợi mà cả trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự quan tâm đặc biệt đến hợp tác xã (HTX) từ rất sớm. Lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sử dụng khái niệm hợp tác xã là trong báo cáo gửi Ban Biên tập về hoạt động của Báo Le Paria vào cuối năm 1922. Trong đó, Người trình bày dự định thành lập một hợp tác xã xuất bản. Tại phiên họp lần thứ 7 Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế nông dân (ngày 13/10/1923) và sau đó tại Đại hội lần thứ III Quốc tế Công hội đỏ, Người đã trình bày về tình hình HTX ở Việt Nam và giải thích lý do tại sao ở Việt Nam người lao động chưa thành lập các HTX.
Vấn đề HTX được Hồ Chí Minh trình bày một cách đầy đủ, dễ hiểu hơn khi Người soạn bài giảng cho lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu, Trung Quốc (những bài giảng sau này được tập hợp in thành cuốn sách Đường Kách mệnh xuất bản vào năm 1927). Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người cho rằng: “Hợp tác xã là “góp gạo thổi cơm chung” cho khỏi hao của, tốn công, lại có nhiều phần vui vẻ”. Đây là quan điểm mang tính độc lập và sáng tạo rất cao của Người.
Từ cách đặt vấn đề: “mỗi dân tộc có một cách riêng đi lên chủ nghĩa xã hội”, và trên cơ sở hiểu biết thấu đáo thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một đề xuất mới: Đối với Việt Nam, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội “bắt đầu từ nông dân”, lấy nông nghiệp làm khâu đột phá. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần có hợp tác xã”.
Về cơ sở lý luận cho sự cần thiết đối với HTX, xuất phát từ tình hình dân trí và trình độ sản xuất An Nam khi ấy còn rất thấp, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra một cách đơn giản, mộc mạc, ngắn gọn để mọi người cùng hiểu: “Tục ngữ An Nam có những câu: “nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó” và “một cây làm chẳng nên non, nhiều cây nhóm lại thành hòn núi cao”. Lý luận hợp tác xã đều ở trong những điều ấy”. Theo Người, hợp tác là tất yếu, là nhu cầu tự thân của mỗi người trong công cuộc lao động sản xuất để nuôi sống chính mình, góp phần phát triển xã hội một cách hiệu quả hơn và tránh được sự bòn rút của tư sản. Rõ ràng, HTX là liên minh tạo nên sức mạnh để phát triển.
Về bản chất HTX, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: là hợp sức, hợp vốn với nhau để có nhiều sức mạnh hơn và lao động sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Mục đích của hợp tác xã được Người chỉ ra là để cải thiện đời sống nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh: “Hợp tác xã cốt làm cho những người vô sản giai cấp hóa anh em. Anh em thì làm giùm nhau, nhờ lẫn nhau. Bỏ hết thói tranh cạnh. Làm sao cho ai trồng cây thì được ăn trái, ai muốn ăn trái thì giùm vào trồng cây”.
Về chức năng của HTX, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ hai chức năng chính: bảo đảm cho nông dân làm giàu và duy trì sự phát triển bền vững cho nông nghiệp. Hơn thế, HTX là nhu cầu kinh tế, xã hội và kỹ thuật khách quan trong quá trình vận động đi lên của xã hội Việt Nam. Và sau cùng, sự no ấm của nhân dân, sự cường thịnh của quốc gia phụ thuộc vào một khâu quan trọng nhất: có tổ chức thành công hệ thống HTX hay không”.
Về loại hình HTX, căn cứ vào nhu cầu phát triển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một số loại hình HTX cơ bản: HTX tín dụng, HTX mua, HTX bán, HTX sản xuất.

Toàn cảnh công trình Hợp tác xã với Bác Hồ do tập thể, cá nhân của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam... đóng góp xây dựng.
Về nguyên tắc tổ chức và quản lý HTX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một hệ thống các nguyên tắc để bảo đảm cho quá trình xây dựng HTX diễn ra phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và tuân thủ các quy luật vận động khách quan trên mọi phương diện. Trong di sản lý luận của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát và xây dựng thành một hệ thống các nguyên tắc, bảo đảm cho quá trình hợp tác hóa diễn ra phù hợp với các quy luật khách quan và điều kiện Việt Nam. Vấn đề này đã được đề cập nhiều, ở đây chúng tôi xin liệt kê 5 nguyên tắc hàng đầu, đến nay vẫn còn giữ nguyên tính thời sự.
Một là, tự nguyện. Bác nhắc nhở: “... tổ đổi công, hợp tác xã là phải tự nguyện, nghĩa là tuyên truyền giải thích ai muốn vào thì vào, không phải nắm cổ kéo người ta vào”.
Hai là, tuần tự, không nóng vội, tiến hành các hình thức từ thấp đến cao. Bác khuyên: “…trước khi mở rộng quy mô hợp tác xã phải chuẩn bị thật tốt tư tưởng và vật chất. Tuyệt đối không nên nóng vội”.
Ba là, bình đẳng, cùng có lợi, thiết thực. Bình đẳng theo nghĩa đã vào HTX “thì bất kỳ góp nhiều góp ít, vào trước vào sau, ai cũng bình đẳng như nhau”. Hợp tác xã làm cho mọi xã viên "đều hưởng lợi công bằng", gắn bó, cố kết với nhau thành một khối. Bản chất xã hội chính là ở đây.
Bốn là, dân chủ. "Muốn xây dựng tổ đổi công, hợp tác xã được tốt phải đoàn kết, phải làm cho mọi người tự nguyện tham gia, phải bàn bạc dân chủ và phải tính toán cho công bằng, hợp lý" và muốn quản lý tốt hợp tác xã, cán bộ quản trị phải dân chủ, tránh "quan liêu mệnh lệnh", làm việc gì cũng cần bàn bạc kỹ với xã viên. Nguyên tắc này bảo đảm hợp tác xã thật sự là của dân, do dân và vì dân, hoạt động dưới sự kiểm soát của nhân dân, tránh được tệ độc đoán, tham nhũng.
Năm là, phải có sự lãnh đạo - tổ chức HTX với sự hướng dẫn, giúp đỡ về tài chính của nhà nước. Mỗi hợp tác xã có ban quản trị. Theo Người, “Điều quan trọng bậc nhất hiện nay để phát triển mạnh nông nghiệp là: Chỉnh đốn các ban quản trị hợp tác xã cho thật tốt. Ban quản trị tốt thì hợp tác xã tốt. Hợp tác xã tốt thì nông nghiệp nhất định phát triển tốt”.
Là nhà tổ chức thiên tài của cách mạng Việt nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất chú ý cách thức tổ chức HTX, đặc biệt là sự hợp tác - liên kết của các hợp tác xã. Người nhấn mạnh tính tự giác, tự nguyện, tự chủ và tính hiệu quả của việc thành lập hợp tác xã. Bác chỉ rõ: “Không phải làng nào cũng phải lập mỗi làng mỗi hợp tác xã. Cũng không phải mỗi làng phải lập cả mấy hợp tác xã. Cũng không phải có hợp tác xã này thì không lập được hợp tác xã kia. Chẳng qua theo hoàn cảnh nơi nào lập được hợp tác xã nào, và có khi hai hợp tác xã - mua và bán - lập chung cũng được. Nếu nhiều nơi đã lập thành hợp tác như nhau, thì các hợp tác xã ấy nên liên lạc với nhau, thế lực càng mạnh hơn. Hoặc khi hai hợp tác xã tính chất khác nhau, thì cũng nên liên kết, như một hợp tác xã mua và một hợp tác xã bán”.
Cùng với quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau từ lúc sơ khai hình thành (giai đoạn 1948 - 1955), phát triển mạnh (giai đoạn 1955 - 1986), thoái trào (giai đoạn 1986 - 2003) và từng bước hồi phục, khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài (giai đoạn từ 2003 đến nay). Nhìn chung, qua mỗi giai đoạn, kinh tế tập thể đều có những đóng góp nhất định, là nhân tố quan trọng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc XHCN, bảo đảm an sinh xã hội cũng như sự phát triển kinh tế của đất nước. Cho đến hôm nay, tư tưởng về hợp tác xã của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, là chỉ dẫn quý báu đối với phát triển kinh tế tập thể ở Việt Nam./.
Thanh Hiền