Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết ngày 18/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Đến thời điểm hiện nay có thể gọi 4 Nghị quyết (68, 66, 57, 59) là “Bộ tứ trụ cột” để giúp chúng ta cất cánh. Tổng Bí thư kêu gọi toàn hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hãy chung tay, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, biến khát vọng thành hành động, biến tiềm năng thành sức mạnh thực tế, để cùng nhau đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, hùng cường của dân tộc Việt.

Theo dõi sự kiện này và qua phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo chủ chốt, chúng ta có thể thấy một bức tranh toàn cảnh về những bước chuyển trong nhận thức, tư duy và hành động; một lời hiệu triệu cho một giai đoạn phát triển mới, dựa trên trí tuệ, đổi mới và khát vọng; thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc hoạch định chiến lược phát triển quốc gia và còn truyền cảm hứng, tạo niềm tin và mở ra những chân trời mới cho tương lai đất nước.

Tư duy phát triển mới của 4 Nghị quyết lớn

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chúng ta đang chứng kiến những chuyển biến sâu sắc chưa từng có trên phạm vi toàn cầu về địa chính trị, địa kinh tế, về cạnh tranh chiến lược, về sự dịch chuyển mạnh mẽ của các trung tâm kinh tế, bùng nổ khoa học công nghệ, cùng với những thách thức về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh truyền thống và phi truyền thống. “Những chuyển động này vừa tạo thách thức, vừa tạo cơ hội cho tất cả các quốc gia. Ai nắm được cơ hội, vượt qua thách thức thì sẽ thành công. Nếu không thì kết quả sẽ ngược lại và sẽ rơi vào hoàn cảnh 'trâu chậm uống nước đục”, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, những đổi mới, cải cách tập trung vào bốn đột phá: Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 57); Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới (gọi tắt là Nghị quyết 59); Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới (gọi tắt là Nghị quyết 66); Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (gọi tắt là Nghị quyết 68).

 

Sự liên kết này không chỉ mang tính định hướng chung mà còn thể hiện rõ sự phụ thuộc lẫn nhau trong thực tiễn. Nếu thể chế không minh bạch (Nghị quyết 66), thì kinh tế tư nhân khó phát triển (Nghị quyết 68), khoa học công nghệ thiếu môi trường sáng tạo (Nghị quyết 57) và hội nhập quốc tế thiếu hiệu quả (Nghị quyết 59). Ngược lại, nếu đổi mới sáng tạo không đột phá, kinh tế tư nhân sẽ yếu, hội nhập quốc tế sẽ bị hạn chế. Nếu hội nhập không chủ động, bản thân thể chế và các động lực trong nước cũng khó cải cách toàn diện.

 Điểm đột phá chung của cả bốn nghị quyết là tư duy phát triển mới: từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”, từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc”. Đây là bước chuyển tư duy căn bản, kế thừa thành tựu đổi mới 40 năm qua và phù hợp với xu thế toàn cầu trong kỷ nguyên số.


 Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất

Theo Tổng Bí thư, trong tiến trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực trong xã hội trở thành yêu cầu cấp thiết để phát triển nhanh và bền vững. Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đánh dấu bước tiến quan trọng trong tư duy lý luận và chỉ đạo thực tiễn của Đảng khi xác định "kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân".

Đây là sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức chiến lược: từ việc coi kinh tế tư nhân là khu vực bổ trợ, nay trở thành một trụ cột phát triển, song hành cùng kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, tạo nên thế "kiềng ba chân" vững chắc cho một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập hiệu quả. Phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là nhu cầu kinh tế mà còn là mệnh lệnh chính trị nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia và khả năng thích ứng trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động.

Nghị quyết 68 đã đề ra yêu cầu hoàn thiện thể chế để bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh và xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, ổn định; khơi thông nguồn lực về đất đai, tín dụng, thị trường, công nghệ; tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế và chính sách; thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đầu tư nghiên cứu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời xây dựng đội ngũ doanh nhân hiện đại không chỉ giỏi kinh doanh mà còn có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và khát vọng cống hiến vì quốc gia.

Nghị quyết khẳng định doanh nhân Việt Nam là "chiến sĩ trên mặt trận kinh tế" trong thời kỳ mới, đặt nền móng cho sự chuyển biến toàn diện trong chính sách phát triển kinh tế tư nhân, từ "thừa nhận" sang "bảo vệ, khuyến khích, thúc đẩy", từ vai trò "bổ trợ" sang "dẫn dắt phát triển".

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá chiến lược, là động lực chủ yếu

Theo Tổng Bí thư, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ và chuyển đổi số diễn ra sâu rộng, thế giới đang chứng kiến sự thay đổi căn bản trong mô hình phát triển. Trước yêu cầu cấp bách đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57, xác định rõ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá chiến lược, là động lực chủ yếu thúc đẩy hiện đại hóa đất nước, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững.

Tổng Bí thư nhấn mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là công cụ hỗ trợ mà phải trở thành nền tảng phát triển và lực đẩy chủ yếu cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên mới. Đây là một cuộc cách mạng sâu rộng, toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi tinh thần đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt, đồng bộ và nhất quán. Mọi tư duy cũ kỹ, lối làm việc hình thức, thụ động cần được loại bỏ để không cản trở tiến trình phát triển.

Để thực hiện thành công, toàn hệ thống chính trị cần nâng cao nhận thức xã hội, đặc biệt là trong cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan hoạch định, thực thi chính sách, về vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phải tạo đột phá trong tư duy phát triển, xóa bỏ các rào cản lạc hậu, khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và dám chịu trách nhiệm. Cùng với đó, các cơ quan phải củng cố quyết tâm chính trị, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong toàn hệ thống về chủ trương lấy khoa học công nghệ làm động lực phát triển chủ yếu. Song song với đó là yêu cầu hoàn thiện thể chế, tháo gỡ rào cản pháp lý và hành chính, xây dựng môi trường thuận lợi cho sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Muốn tiến nhanh, tiến vững chắc trong kỷ nguyên mới, không có con đường nào khác ngoài khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phải quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, sáng tạo bứt phá hơn để thực sự biến khoa học công nghệ thành nền tảng và động lực then chốt đưa đất nước vươn tới những tầm cao mới”, Tổng Bí thư nói.

 Cải cách thể chế - nền tảng phát triển trong kỷ nguyên mới

Tổng Bí thư cho rằng giai đoạn phát triển mới với yêu cầu cao về hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trở thành yếu tố sống còn, quyết định sự thành công của đất nước. Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị ra đời đã xác định đổi mới căn bản công tác xây dựng và thi hành pháp luật là nội dung cốt lõi, nền tảng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Nghị quyết khẳng định pháp luật không chỉ là công cụ điều chỉnh hành vi mà còn là cơ sở tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Việc xây dựng và thi hành pháp luật phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của toàn Đảng và hệ thống chính trị, gắn chặt với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.

Pháp luật phải đồng bộ, minh bạch, ổn định, có tính khả thi và dự báo cao; không chỉ điều chỉnh mà còn chủ động dẫn dắt sự phát triển. Ba trọng tâm lớn được xác định gồm: hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực then chốt như bộ máy nhà nước, kinh tế thị trường, quyền con người, môi trường đầu tư; đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng chủ động, dễ hiểu, dễ thực thi; và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, tăng kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải trình.

Tinh thần cải cách xuyên suốt Nghị quyết là chuyển đổi căn bản tư duy xây dựng pháp luật từ "quản lý" sang "phục vụ", từ bị động sang chủ động, kiến tạo. Pháp luật phải đi trước một bước, gắn với chuyển đổi số, công khai minh bạch, thuận tiện hóa tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Phân cấp, phân quyền phải rõ ràng, gắn với trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế "xin - cho" và lợi ích cục bộ.

Nghị quyết 66 chính là lời hiệu triệu cho một cuộc cải cách thể chế sâu sắc, nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật hiện đại, thực chất, vì nhân dân phục vụ, đồng thời tạo ra động lực bền vững cho công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh trong thế kỷ 21”, người đứng đầu Đảng nói.

Hội nhập quốc tế: Động lực chiến lược đưa Việt Nam vươn xa

Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị được ban hành trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, cùng các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh phi truyền thống. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và kinh tế xanh đang định hình lại mô hình phát triển toàn cầu.

Nghị quyết khẳng định hội nhập quốc tế là động lực chiến lược, không chỉ là mở cửa, giao lưu mà là sự nghiệp tổng hợp, đòi hỏi sự chủ động, bản lĩnh và năng lực thích ứng toàn diện. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý thống nhất của Nhà nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể sáng tạo. Nội lực từ kinh tế, thể chế, văn hóa đến nguồn nhân lực giữ vai trò quyết định; ngoại lực là nguồn bổ sung. Hội nhập phải toàn diện, sâu rộng nhưng vẫn giữ vững độc lập, tự chủ, nâng cao năng lực tự cường.

Nghị quyết đề ra định hướng lớn: phát triển kinh tế số, xanh, tuần hoàn, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng khoa học công nghệ; giữ vững chủ quyền, ổn định, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược; tận dụng hội nhập để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Yêu cầu trọng yếu là xây dựng đội ngũ cán bộ hội nhập có bản lĩnh chính trị, chuyên môn vững và khả năng phối hợp liên ngành.

Hội nhập trong tình hình mới đòi hỏi tư duy đổi mới, hành động quyết liệt, linh hoạt, tận dụng tối đa cơ hội để phát triển nhanh, bền vững”, Tổng Bí thư nói, nhấn mạnh Nghị quyết 59 là kim chỉ nam hành động, cần được cụ thể hóa bằng chương trình thiết thực, với tinh thần trách nhiệm cao, để hội nhập thực sự trở thành động lực đưa Việt Nam vươn cao trên trường quốc tế.

Mỗi người dân Việt Nam phải trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển đất nước

 Tổng Bí thư nhấn mạnh hơn bao giờ bao giờ hết, hiện nay, Ban chấp hành Trung ương là một khối đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, chuẩn bị thật tốt để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, phồn vinh và hạnh phúc.

Kể từ Hội nghị Trung ương X khóa XIII (tháng 9/2024) đến nay, Bộ Chính Trị, Ban Bí thư đã làm việc ngày đêm tập trung giải quyết nhiều vấn đề cốt lõi, tháo gỡ những “điểm nghẽn”, tạo không gian phát triển mới cho đất nước. Triển khai quyết liệt nội dung Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương về “một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức của bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả”; xây dựng chính quyền địa phương hai cấp; sắp xếp lại đơn vị hành chính để “cất cánh”… những công việc nêu trên không chỉ được cán bộ, đảng viên nghiên túc triển khai mà điều quan trọng hơn là hầu hết nhân dân trong cả nước theo dõi, đồng tình, ủng hộ, coi đây thực sự là cuộc cách mạng của đất nước trong thời kỳ mới.

Để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải tiếp tục đồng lòng, chung sức, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Vì “biết đồng sức, biết đồng lòng/ việc gì khó, làm cũng xong”.

 Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình; chủ động, sáng tạo, đoàn kết thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân, làm cho nhân dân có đời sống thực sự ngày một tốt hơn. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam phải trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển đất nước.

 Lãnh đạo các cấp, từ Trung ương đến địa phương, phải gương mẫu, tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích quốc gia, thậm chí dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Các chương trình hành động phải được triển khai quyết liệt, bài bản, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo năng lực và kết quả công tác. Tiếp tục kiến nghị, đề xuất để xây dựng những Nghị quyết mới theo phương châm “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” như Bác Hồ đã từng dạy.

 Người dân và doanh nghiệp phải được xác định là trung tâm và chủ thể sáng tạo trong phát triển. Cần bồi đắp mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp quốc gia, khơi dậy nguồn lực đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường hiện đại hóa, hội nhập.

 Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng vững chắc vào một tương lai tươi sáng của đất nước. Với truyền thống anh hùng, trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng vươn lên không ngừng của toàn dân tộc, Việt Nam sẽ tiếp tục tiến bước vững chắc trên con đường phát triển nhanh và bền vững.

 “Trước nhân dân cả nước, chúng ta cam kết thực hiện mạnh mẽ các mục tiêu đã đề ra, bằng tinh thần đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, kiên trì và sáng tạo. Mỗi cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cá nhân cần xác định rõ trách nhiệm của mình, biến cam kết chính trị thành kết quả cụ thể, thiết thực.

 Hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa Đổi mới – Khát vọng – Hành động, vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu vào năm 2045!”- Tổng Bí thư kêu gọi./.

Thanh Hiền

 

Share with friends

Bài liên quan

QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ TỈNH ĐỒNG NAI CÔNG BỐ VÀ TRAO QUYẾT ĐỊNH BỔ NHIỆM TRƯỞNG BỘ PHẬN TÍN DỤNG
LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH ĐỒNG NAI THAM DỰ TỌA ĐÀM GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA HIẾN PHÁP NĂM 2013
PHỐI HỢP HỖ TRỢ VỐN, PHÁT TRIỂN CẤP LIÊN NHIỆM TRÊN ĐỊA BÀN XÃ MÃ ĐÀ, HUYỆN VĨNH CỬU
QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ TỈNH ĐỒNG NAI THAM DỰ HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VỀ QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG CHO QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ
LỚP BỒI DƯỠNG KỸ NĂNG QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH DÀNH CHO CÁN BỘ CÁC HỢP TÁC XÃ MỚI THÀNH LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI NĂM 2025
TỔ CHỨC LỚP TẬP HUẤN NGHIỆP VỤ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN CỨU HỘ DÀNH CHO CÁC HỢP TÁC XÃ, TỔ HỢP TÁC (LỚP 2) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI NĂM 2025
SÁNG MÃI TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ HỢP TÁC XÃ
HỘI NGHỊ THÀNH LẬP HỢP TÁC XÃ DƯỢC LIỆU TỔNG HỢP VIỆT NAM
LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH ĐỒNG NAI THAM GIA HỘI CHỢ XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI CHO CÁC HỢP TÁC XÃ KHU VỰC MIỀN BẮC NĂM 2025
CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH ĐỒNG NAI ĐẠT GIẢI NHẤT MÔN PICKLEBALL ĐƠN NỮ TẠI HỘI THAO CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC TỈNH ĐỒNG NAI NĂM 2025
HỆ THỐNG LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ VIỆT NAM TỔ CHỨC THÀNH CÔNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2025
LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH ĐỒNG NAI TỔ CHỨC HỌP MẶT KỶ NIỆM 33 NĂM NGÀY THÀNH LẬP (24/4/1992 – 24/4/2025)
KHAI GIẢNG LỚP BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ DÀNH CHO CÁN BỘ CÁC QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN NĂM 2025
TUYÊN TRUYỀN PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TRONG HỘI VIÊN HỘI CỰU CHIẾN BINH TẠI HUYỆN VĨNH CỬU
LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH ĐỒNG NAI ĐÓN TIẾP VÀ LÀM VIỆC VỚI ĐOÀN CÔNG TÁC LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH TRÀ VINH
TUYÊN TRUYỀN, TẬP HUẤN KIẾN THỨC, KỸ NĂNG VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU HỘ, CỨU NẠN DÀNH CHO CÁC HỢP TÁC XÃ, TỔ HỢP TÁC, QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI NĂM 2025
QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ TỈNH ĐỒNG NAI THAM DỰ HỘI NGHỊ TẬP HUẤN NGHIỆP VỤ DÀNH CHO CÁC QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ TỈNH, THÀNH PHỐ
THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2025
ĐỒNG NAI TỔNG KẾT PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC NĂM 2024 VÀ PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA NĂM 2025
HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN NĂM 2025 TỔ CHỨC HỢP TÁC NÔNG DÂN CHÂU Á (AFGC) TẠI VIỆT NAM

HÌNH ẢNH NỔI BẬT

VIDEO NỔI BẬT

Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai sơ kết 6 tháng đầu năm 2022
Kinh tế tập thể, hợp tác xã hợp tác liên kết phát triển

LIÊN KẾT

Cơ sở dữ liệu Kinh tế tập thể
Liên minh Hợp tác xã Đồng Nai
Liên Minh HTX Việt Nam
Tỉnh Đồng Nai
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai