Trong thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển như: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”; Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025; Luật Hợp tác xã năm 2023… Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) nói trên còn nhiều hạn chế, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Trong thời gian tới rất cần sự tập trung nguồn lực, sự hỗ trợ và các giải pháp đồng bộ hơn nữa từ phía Nhà nước, tổ chức đại diện; trong đó sự hỗ trợ từ tổ chức đại diện, tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ ở cấp tỉnh là rất cần thiết; để tạo điều kiện cho các cơ sở kinh tế hợp tác, HTX và Liên hiệp HTX có nhiều cơ hội, không gian phát triển.
Tư vấn, hỗ trợ phát triển là một trong những chức năng chính, là một nội dung công tác giữ vai trò rất quan trọng của hệ thống Liên minh Hợp tác xã, là động lực góp phần thúc đẩy KTTT, HTX phát triển. Cùng với các địa phương khác, đến nay, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Nai đã hình thành Trung tâm hỗ trợ Hợp tác xã & doanh nghiệp tỉnh và Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh; đã đáp ứng được phần nào nhu cầu tư vấn, hỗ trợ của các cơ sở kinh tế hợp tác, HTX.
Trung tâm hỗ trợ Hợp tác xã và doanh nghiệp (gọi tắt là Trung tâm) được thành lập từ năm 2000, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Nai; được Liên minh Hợp tác xã tỉnh giao nhiệm vụ tổ chức các hoạt động hỗ trợ HTX trên địa bàn tỉnh; thực hiện chức năng hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ cần thiết cho sự hình thành và phát triển của các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX và thành viên. Thời gian qua, xác định được vai trò, nhiệm vụ của mình, với phương châm “Luôn đồng hành hợp tác xã và doanh nghiệp thành viên”, trong những năm qua Trung tâm đã tập trung hỗ trợ, tư vấn bằng nhiều hình thức, nhiều lĩnh vực. Hoạt động hỗ trợ của Trung tâm đã dần trở thành động lực cơ bản thu hút các HTX gia nhập làm thành viên của Liên minh Hợp tác xã tỉnh; nhiều hoạt động hỗ trợ đã được triển khai có hiệu quả, phần nào tháo gỡ các khó khăn cho các HTX. Đồng thời, các HTX với tư cách là đối tượng thụ hưởng các dịch vụ hỗ trợ đã bước đầu có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, hoạt động hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh nói chung và của Trung tâm nói riêng.
Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động hỗ trợ vẫn chưa khẳng định vị trí, vai trò, yêu cầu và vẫn còn thụ động trong hoạt động triển khai, chất lượng dịch vụ hỗ trợ còn thấp; năng lực của cán bộ làm công tác tư vấn hỗ trợ còn hạn chế. Trung tâm chưa có cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với sự phát triển của khu vực KTTT, HTX trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.
Để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình hỗ trợ phát triển Hợp tác xã giai đoạn 2025 - 2030 của tỉnh, việc cần thiết hiện nay là phải củng cố Trung tâm hỗ trợ Hợp tác xã và Doanh nghiệp Đồng Nai để định hướng, có giải pháp nhằm nâng cao năng lực hoạt động, tổ chức hỗ trợ, phát triển hợp tác xã trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, trong thời gian tới, nhiệm vụ, giải pháp củng cố tổ chức hoạt động Trung tâm cần tập trung một số nội dung sau:
1. Về mục tiêu hỗ trợ
- Cần xác định tầm quan trọng của các hoạt động tư vấn hỗ trợ, coi kết quả hoạt động hỗ trợ là mục tiêu chính của Trung tâm. Mục tiêu hỗ trợ, xây dựng phát triển HTX và doanh nghiệp đến 2030 là theo chiều sâu, cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ, tạo điều kiện để HTX phát triển thực sự thành một tổ chức kinh tế - xã hội lớn về quy mô, đa dạng ngành nghề, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển không hạn chế về quy mô, ngành nghề kể cả lĩnh vực sản xuất kinh doanh quan trọng mà pháp luật không cấm; xây dựng mối liên kết, hợp tác với nhau giữa doanh nghiệp thành viên và không là thành viên của Liên minh với các thành phần kinh tế để hoạt động.
- Nhanh chóng khắc phục những yếu kém bất cập về tổ chức, cán bộ, phương thức và nội dung hoạt động, tạo bước phát triển mạnh mẽ để thu hẹp khoảng cách về năng lực cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho HTX với yêu cầu phát triển các HTX trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
- Tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng dịch vụ hỗ trợ cho các HTX theo hướng chuyên nghiệp tiếp cận với trình độ của thế giới - phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Ưu tiên nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ, đổi mới tư duy, phương pháp hỗ trợ cho HTX, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ của HTX ngày càng cao và đa dạng.
- Tạo mối liên kết chặt chẽ giữa Trung tâm với tổ chức hỗ trợ khác thành một thể thống nhất từ Trung ương đến địa phương nhằm khắc phục các hoạt động hỗ trợ phát triển HTX và nguồn lực hỗ trợ, nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ của Trung tâm.
2. Về nhiệm vụ hỗ trợ
Trung tâm phải thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ quy định tại điều 4 và 5 của Quy chế hoạt động Trung tâm, phải coi kết quả hoạt động hỗ trợ là mục tiêu chính của Trung tâm. Cụ thể trong giai đoạn 2024 - 2030 tập trung triển khai các chương trình hỗ trợ HTX, doanh nghiệp như: đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ về khoa học công nghệ và môi trường; hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ tư vấn; hỗ trợ HTX tham gia các chương trình chuyển đổi số.
3. Giải pháp thực hiện
- Tiếp tục nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công tác hỗ trợ phát triển HTX, coi hỗ trợ phát triển là một trong những chức năng cơ bản, là mảng công tác quan trọng của hệ thống Liên minh Hợp tác xã. Cần có sự nhận thức đầy đủ hơn nữa tầm quan trọng của hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển; coi kết quả của hoạt động hỗ trợ phát triển chính là sự tồn tại để khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Liên minh Hợp tác xã đối với các đơn vị thành viên.
- Lựa chọn phương thức, nội dung hỗ trợ và các bước đi thích hợp để tập trung phát huy nội lực, khai thác tối đa các nguồn lực bên ngoài, đầu tư cho công tác này đáp ứng với những đòi hỏi của khu vực KTTT, HTX trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
- Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án bổ sung chức năng, nhiệm vụ Trung tâm hỗ trợ hợp tác xã và doanh nghiệp; củng cố tổ chức lại bộ máy Trung tâm theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy chế hoạt động. Cơ cấu bộ máy của Trung tâm nên chia thành các bộ phận chức năng để chuyên môn hoá công việc, nâng cao trình độ cán bộ và hiệu suất công tác.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ có nghiệp vụ, năng lực thực tiễn trực tiếp làm ra các sản phẩm dịch vụ tư vấn hỗ trợ có hàm lượng chất xám cao; chú trọng công tác đào tạo chuyên sâu và thường xuyên cập nhật kiến thức, thông tin cho cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ. Bên cạnh đó, cần xây dựng một đội ngũ cộng tác viên có chuyên môn cao, gồm các luật sư, chuyên gia trong các lĩnh vực, ngành nghề để đáp ứng nhu cầu các thành viên ở mức độ cao.
- Trung tâm cần được hỗ trợ ban đầu về cơ sở vật chất và điều kiện làm việc, văn phòng, các trang thiết bị cần thiết. Xoá bỏ tư tưởng bao cấp trong các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ; việc đổi mới phương thức cung ứng dịch vụ hỗ trợ theo hướng có thu phí để lấy thu bù chi có ý nghĩa quan trọng vừa đem lại nguồn thu cho Trung tâm phù hợp với xu thế chung của thị trường dịch vụ; cần được tự chủ về tài chính và phải xác định được nguồn thu để từng bước chủ động trang trải các hoạt động.
- Tăng cường mối quan hệ phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp để khai thác tối đa các nguồn lực thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ phát triển. Chủ động tham gia các chương trình, dự án, đề án của tỉnh có liên quan đến hỗ trợ phát triển HTX.
TNK