Trong khuôn khổ của Tháng Hành động vì Hợp tác xã năm 2025, tối ngày 11/4/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã khởi động Chợ sản phẩm trực tuyến VCAMart.
Trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, sự ra đời của Chợ sản phẩm trực tuyến VCAMart không chỉ mang ý nghĩa ra mắt một nền tảng mới, mà còn mở ra cánh cửa giúp các hợp tác xã (HTX) quảng bá, tiếp thị và mở rộng đầu ra cho hàng hóa trong nền kinh tế số. Chợ thương mại điện tử này được kỳ vọng sẽ là giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy số hóa trong khu vực kinh tế tập thể, hỗ trợ HTX tiếp cận thị trường hiện đại, nâng cao năng lực tiêu thụ sản phẩm, đồng thời phát huy tinh thần tự lực, sáng tạo và vươn xa của hàng Việt.

VCAMart - Cơ hội mới trong bối cảnh mới
Trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, nhiều sàn lớn như Lazada, Shopee, Tiki… đã đồng loạt tăng các loại phí - từ phí cố định, phí hoa hồng cho đến phí vận chuyển. Điều này đang tạo áp lực tài chính không nhỏ cho người bán, đặc biệt là các HTX - vốn có quy mô nhỏ và nguồn lực hạn chế. Thống kê riêng quý I/2025 cho thấy, đã có tới 165.000 cửa hàng rời khỏi các nền tảng thương mại điện tử lớn, phản ánh rõ tính chất tiềm năng nhưng đầy khốc liệt của sân chơi này.
Thực tế, nhiều HTX - đặc biệt là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - vẫn gặp không ít trở ngại khi tham gia môi trường số. Rào cản lớn đến từ việc sản phẩm không đồng bộ do thiếu nhất quán trong sản xuất, hạn chế về vốn và kỹ năng ứng dụng công nghệ, bán hàng, tiếp thị của thành viên chỉ ở mức trung bình.
Trước bối cảnh đó, sự ra đời của chợ thương mại điện tử VCAMart do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam vận hành được kỳ vọng là lời giải cho bài toán “cạnh tranh công bằng” đối với HTX. VCAMart hoạt động theo nguyên tắc “ba không”: không thu phí giao dịch, không thu phí hoa hồng và không áp đặt rào cản công nghệ. Với hai phiên bản linh hoạt - trên máy tính và ứng dụng di động - VCAMart tạo điều kiện tối đa để HTX tiếp cận khách hàng, mở rộng kênh tiêu thụ và khẳng định thương hiệu trong thời đại số.
Không chỉ miễn phí giao dịch, sàn còn tích hợp nhiều tính năng như thanh toán không dùng tiền mặt, kết nối với các đơn vị vận chuyển và công cụ quản trị gian hàng. Đặc biệt, ngày 17/4/2025 tới đây, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) sẽ tổ chức tập huấn chuyên sâu về vận hành sàn cho cán bộ HTX, Liên minh Hợp tác xã các tỉnh thành, giúp các đơn vị vận hành hiệu quả, chuyên nghiệp hơn trong môi trường kinh doanh số.
Một điểm đáng chú ý khác là hiện nhiều địa phương cũng đã xây dựng các chợ trực tuyến riêng. Do đó, việc kết nối VCAMart với các sàn địa phương sẽ là bước đi chiến lược, không chỉ gia tăng cơ hội kinh doanh cho HTX mà còn thúc đẩy phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử cộng hưởng.
Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết để đảm bảo chất lượng sản phẩm trên sàn, VCAMart cũng sẽ triển khai cơ chế kiểm tra định kỳ. Theo đó, Viện sẽ tiến hành lấy mẫu ngẫu nhiên các sản phẩm đang được bày bán để đánh giá việc tuân thủ quy trình sản xuất và cam kết chất lượng. Những HTX vi phạm sẽ bị loại sản phẩm khỏi sàn - nhằm bảo vệ uy tín chung và đảm bảo niềm tin của người tiêu dùng. Đồng thời, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường cùng các đơn vị liên quan cần chủ động tăng cường kết nối, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể và địa phương để mở rộng mạng lưới tham gia VCAMart, từ đó phát huy tối đa tiềm năng và sức lan tỏa của chợ sản phẩm trực tuyến này.
VCAMart không chỉ đơn thuần là một nền tảng công nghệ, mà còn là nỗ lực thúc đẩy bình đẳng thương mại, nơi HTX nhỏ cũng có cơ hội vươn ra thị trường lớn. Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại điện tử ngày càng gay gắt, việc tạo dựng một sân chơi “thuần Việt”, công bằng và hiệu quả cho khu vực kinh tế tập thể chính là chiến lược thiết thực, mang đậm tính nhân văn và phù hợp với xu thế phát triển.
Thanh Hiền