Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý chuyên ngành thú y, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã xảy ra 06 ổ dịch Cúm gia cầm (CGC) A/H5N1 tại 04 tỉnh; 68 ổ dịch bệnh Dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) tại 20 tỉnh; 09 ổ dịch Lở mồm long móng (LMLM) tại 07 tỉnh; 11 ổ dịch bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) tại 04 tỉnh; bệnh Dại xảy ra 44 ổ dịch trên động vật tại 21 tỉnh, thành phố và đã có 19 người tử vong vì bệnh Dại tại 12 tỉnh. Nguy cơ các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao do mầm bệnh lưu hành trên đàn vật nuôi và ngoài môi trường còn khá cao, ở phạm vi rộng; tổng đàn vật nuôi lớn nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao; giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số, trong khi đó tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin còn thấp.
Riêng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xảy ra 02 ổ dịch bệnh DTHCP tại 02 xã/thị trấn thuộc 02 huyện Trảng Bom và Vĩnh Cửu, tiêu hủy 37 con heo bệnh, chết; tình hình dịch bệnh Dại đang diễn biến phức tạp đã xảy ra 06 ca bệnh Dại ở chó, trên địa bàn 03 xã: Phước Bình, Phước Thái, Bàu Cạn huyện Long Thành và xã Nhân Nghĩa huyện Cẩm Mỹ, tiêu hủy 06 con chó mắc bệnh, chết. Đặc biệt là có 02 trường hợp tử vong ở người do bệnh Dại trên địa bàn huyện Long Thành.
Để chủ động kiểm soát có hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, các bệnh truyền nhiễm lây lan giữa động vật và người phát sinh, ngày 25/3/2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng đã ký ban hành Công văn số 3021/UBND-KTN về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh (PCDB) và khẩn trương tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật; chuẩn bị đầy đủ vật tư, vắc xin, thiết bị để phục vụ công tác phòng chống dịch; Chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được xuất hiện; đẩy mạnh xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh; báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh, kết quả tiêm phòng và thực hiện nghiêm công tác báo cáo tình hình dịch bệnh động vật trên Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) của Cục Chăn nuôi và Thú y - Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Phối hợp, hướng dẫn các địa phương phát động tháng tiêm phòng vắc xin Dại cho các đàn chó, mèo và tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 01 năm 2025; Chỉ đạo cơ quan chuyên môn Thú y tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép, buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm; Tăng cường phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan trong công tác truyền thông về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi; tiêm vắc xin và lợi ích của việc tiêm vắc xin; xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; Tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y năm 2015, Kế hoạch số 14524/KH-UBND ngày 24/11/2021 của UBND tỉnh thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật; Thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; đặc biệt kiểm tra, chấn chỉnh công tác tiêm phòng của các địa phương, chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh.
Giao Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chuyên môn Y tế phối hợp với Thú y, kịp thời chia sẻ thông tin người đi tiêm phòng vắc xin Dại; tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo phù hợp, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện có hiệu quả cao các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại địa phương; Phát động tháng tiêm phòng vắc xin Dại cho các đàn chó, mèo trên địa bàn quản lý từ ngày 30/3/2025 đến ngày 24/4/2025, kinh phí từ nguồn xã hội hóa; Triển khai tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 01 năm 2025 theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Môi trường theo quy định; Tuyên truyền về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm, vận động người chăn nuôi tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi chưa được tiêm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (như: CGC, LMLM, DTHCP, Tai xanh, VDNC, Dại,…) để tạo miễn dịch khép kín, bảo vệ sức khỏe đàn gia súc, gia cầm nhằm hạn chế thiệt hại về kinh tế; Trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được xuất hiện; đẩy mạnh xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Thực hiện nghiêm việc công bố dịch và tổ chức phòng, chống dịch theo đúng quy định tại các địa phương có dịch; chấn chỉnh các địa phương, đặc biệt tại các xã, phường thiếu quan tâm, chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; rà soát, yêu cầu các lực lượng tham gia chống dịch áp dụng nghiêm các biện pháp bảo hộ cá nhân, vệ sinh, sát trùng, tiêu độc để không làm lây lan dịch bệnh trong quá trình xử lý, vận chuyển, tiêu hủy động vật bệnh; có biện pháp xử lý không để các hố chôn động vật bệnh làm phát sinh nguy cơ lây lan dịch bệnh; Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; định kỳ tổ chức tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại khu vực chăn nuôi có nguy cơ cao, ổ dịch cũ, chợ, điểm thu gom, tập kết, buôn bán động vật sống, sản phẩm động vật; Tăng cường công tác tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm; Tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền đối với chủ vật nuôi và cộng đồng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi; tiêm vắc xin và lợi ích của việc tiêm vắc xin; xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; Thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại các địa phương đang có ổ dịch.
(Nguồn: Công văn số 3021/UBND-KTN ngày 25/3/2025 của UBND tỉnh Đồng Nai)
Thái Công