Theo số liệu báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vào GDP (Gross Domestic Product - tổng sản phẩm nội địa) của cả nước trung bình đạt khoảng 4,8%; đóng góp gián tiếp khoảng 30% GDP cả nước thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên. Khu vực kinh tế tập thể cung ứng cho thị trường từ 18% - 32% hàng lương thực, thực phẩm và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, góp phần vào ổn định giá cả thị trường và kiềm chế lạm phát.


Sản phẩm chuối cấy mô của Hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch
Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai là đơn vị được trao Giải thưởng Ngôi sao
Hợp tác xã “CoopStar Awards” năm 2025
Về các hợp tác xã (HTX): Đến cuối năm 2024, tổng số HTX cả nước có 33.557 HTX. Tổng vốn điều lệ của các HTX là 68.013,075 tỷ đồng, tăng 6,94% so với cùng kỳ năm 2023, bình quân 2,027 tỷ đồng/HTX (năm 2023 là 1,981 tỷ đồng/HTX); tổng tài sản 178.941,775 tỷ đồng tăng 0,18%, bình quân 5,332 tỷ đồng/HTX (năm 2023 là 5,564 triệu đồng/HTX). Tổng doanh thu của các HTX đạt 95.273,695 tỷ đồng, bình quân đạt 2,839 tỷ đồng/HTX (năm 2023 là 2,776 tỷ đồng/HTX); lãi bình quân 203,4 triệu đồng/HTX (năm 2023 là 200 triệu đồng/HTX). Cả nước có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số HTX), với hình thức liên kết chuỗi giá trị phát triển đa dạng theo các công đoạn trong chuỗi; trên 5.300 chủ thể tham gia sản xuất sản phẩm OCOP, thì có 38,1% là từ các HTX. Các sản phẩm của các hợp tác xã ngày càng đa dạng, phong phú, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cả nước có trên 5,3 nghìn chủ thể, trong đó có 38,1% là từ các hợp tác xã.
Các HTX trong cả nước thu hút hơn 6,139 triệu thành viên (chủ yếu là đại diện hộ gia đình) tăng 108.134 nghìn thành viên so với năm 2023, bình quân mỗi HTX có 183 thành viên; vùng có số thành viên cao nhất là đồng bằng sông Hồng có 2,670 triệu thành viên, chiếm 43,5% tổng số thành viên HTX, vùng Bắc Trung bộ có 1,007 triệu thành viên chiếm 16,4%, vùng Duyên hải miền Trung có 0,968 triệu thành viên chiếm 15,77%; vùng có số thành viên thấp nhất là Tây Nguyên có 202.149 thành viên và vùng Tây Bắc có 102.530 thành viên. Số lao động thường xuyên trong HTX và số người tham gia bảo hiểm xã hội năm 2024 tăng lên so với năm 2023; đến cuối năm 2024 có 1,65 triệu lao động làm việc trong các HTX, tăng 1,02 % so với năm 2023. Số lao động thường xuyên trong HTX chênh lệch khá lớn giữa các vùng kinh tế, nhiều nhất là Đồng bằng sông Hồng có 466.687 lao động (chiếm 28,3% tổng số lao động làm việc trong HTX), ít nhất là Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên có 51.258 lao động (chiếm 3,1%); tổng số cán bộ quản lý HTX là 126.758, tăng 1,03% so với năm 2023.
Về liên hiệp hợp tác xã: Đến cuối năm 2024, cả nước có 141 liên hiệp HTX, chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; hơn 50% liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả và làm tốt vai trò đầu mối kết nối các HTX thành viên với thị trường. Hoạt động kinh doanh chủ yếu của liên hiệp HTX thường tập trung vào việc cung ứng đầu vào như nguyên liệu, vật tư, thiết bị và các dịch vụ cần thiết cho sản xuất, kinh doanh của các HTX thành viên, giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả. Liên hiệp HTX tổ chức sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm của các thành viên, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh phân phối, xuất khẩu hoặc liên kết với doanh nghiệp lớn, góp phần xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường cho các thành viên.
Về tổ hợp tác (THT): Đến cuối năm 2024, cả nước có 72.183 THT, trong đó 52.066 THT nông nghiệp, chiếm 72%, 20.117 THT phi nông nghiệp, chiếm 28%. Vùng Tây Bắc có 9.536 THT, Đông Bắc 12.736 THT, Đồng bằng sông Hồng 7.664 THT, Bắc Trung Bộ 9.983 THT, duyên hải miền Trung 3.612 THT, Tây Nguyên 4.192 THT, Đông Nam Bộ 9.582 THT, Đồng bằng sông Cửu Long 14.878 THT. THT đa dạng về tên gọi và hình thức hoạt động, thành lập để liên kết tương trợ lẫn nhau sản xuất, vay vốn, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm. Các THT hoạt động trong các ngành nghề khác nhau như: THT trồng trọt, THT khai thác thuỷ sản, THT lâm nghiệp, THT làm muối, THT công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; THT xây dựng; THT tín dụng vi mô; THT thương mại; THT vận tải; THT môi trường. Nhiều THT sau khi được thành lập hoạt động hiệu quả, công tác quản lý điều hành chặt chẽ từ nguồn vốn góp đến khâu hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng không thua kém HTX.
TNK (tổng hợp nguồn VCA)