Đồng Nai hiện có 396 hợp tác xã (HTX) và 844 tổ hợp tác (THT) đang hoạt động, trong đó có hàng trăm đơn vị trực tiếp tham gia sản xuất, phát triển các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... theo quy mô hàng hóa. Tuy nhiên, không ít sản phẩm của HTX dù có chất lượng tốt, song sức cạnh tranh thấp, việc tiêu thụ sản phẩm khó, giá trị kinh tế không cao. Nhiều HTX sản xuất và buôn bán các mặt hàng nông sản - đặc sản địa phương nhưng việc đăng ký sở hữu trí tuệ vẫn bị bỏ ngỏ nên vấn đề bảo vệ quyền lợi và khẳng định giá trị sản phẩm để hướng đến xuất khẩu còn khó khăn.
Trước thực trạng trên, đòi hỏi các HTX cần chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, quan tâm thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ nhằm ngăn chặn các hành vi xâm hại sản phẩm, cạnh tranh không lành mạnh để bảo vệ thương hiệu, uy tín của sản phẩm.
Theo thống kê, từ năm 2020 đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có gần 5 ngàn đơn đăng ký nhãn hiệu và có gần 3 ngàn đơn đăng ký nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Trong đó, nhiều sản phẩm là nông sản, sản vật nông nghiệp của các địa phương.

Thay đổi tư duy của HTX về sở hữu trí tuệ
Việc sản phẩm được đăng ký sở hữu trí tuệ tức là được bảo hộ sẽ góp phần giúp HTX kiểm soát được chất lượng, có lợi thế cạnh tranh, thuận lợi đưa sản phẩm thâm nhập thị trường lớn.
Xét về mặt kinh doanh, giới chuyên gia cho rằng, các HTX vẫn cần đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu sản phẩm ở Việt Nam và sau đó là đăng ký tại thị trường xuất khẩu nếu muốn đưa hàng hóa ra nước ngoài. Tất nhiên để làm được điều này thì cần phải tốn chi phí và thời gian nhưng giá trị nó mang lại rất lớn. HTX nên chú trọng điều này ngay khi bắt đầu sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt hiện nay, kinh doanh online, buôn bán trên các sàn thương mại điện tử phát triển nhanh chóng nên vấn đề làm giả, làm nhái hàng hóa diễn ra rất nhiều và khó kiểm soát. Ngược lại, người tiêu dùng hiện đã có phần “ngán ngẩm” những sản phẩm không có thương hiệu, không có giấy tờ, không được bảo hộ thương hiệu. Vì thế, chỉ có chất lượng mới là bước đi bền vững của các HTX.
Ngay cả các KOL (tạm dịch: người có sức ảnh hưởng), KOC (tạm dịch: người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường) nổi tiếng nhưng bán hàng kém chất lượng hiện cũng bị người tiêu dùng tẩy chay. Và đó chính là quy luật tất yếu để thanh lọc những KOC, KOL và cả những sản phẩm kém chất lượng, không có giấy phép, không đăng ký sở hữu trí tuệ.
Khu vực kinh tế tập thể đang “bỏ ngỏ” đăng ký quyền sở hữu trí tuệ
Một thực tế cho thấy, với sự tương đồng về văn hóa sản xuất, sinh hoạt nên nhiều HTX, THT cùng sản xuất một mặt hàng là sản phẩm đặc trưng ở địa phương. Dĩ nhiên, mỗi sản phẩm đều mang một “màu sắc” riêng, song không phải người tiêu dùng nào cũng có thể phân biệt được. Chưa kể, trong môi trường xã hội hiện nay, việc làm giả, nhái những sản phẩm có thương hiệu, chất lượng đang diễn ra nhiều. Do đó, các chủ thể, nhất là các HTX, THT mong muốn phát triển những ngành nghề truyền thống, sản xuất những sản phẩm đặc trưng của địa phương cần có ý thức đăng ký sở hữu trí tuệ để bảo hộ cho sản phẩm khi lưu thông trên thị trường.
Bên cạnh đó, để hợp tác được với doanh nghiệp xuất khẩu, một trong những tiêu chí quan trọng đó là phải có đăng ký sở hữu trí tuệ. Bởi, đã có tình trạng đánh cắp bản quyền đối với các sản phẩm nông sản, hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài. Và hành trình để giải quyết được sẽ rất nhiêu khê. Do đó, ngay khi ở trong nước, sản phẩm cũng đã phải đăng ký sở hữu trí tuệ để hạn chế rủi ro trong xuất khẩu.
Tuy nhiên, phần lớn HTX hiện nay chỉ tập trung vào việc hình thành sản phẩm, bán sản phẩm, kêu gọi vốn đầu tư…, trong khi nhiều HTX còn rất e dè về vấn đề sở hữu trí tuệ hoặc chưa thực sự quan tâm.
Đơn giản hóa thủ tục đăng ký
Một trong những lý do hiện nay là do chính nông dân, HTX chưa hiểu rõ về việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ nên thường không nắm được những vấn đề cơ bản của sở hữu trí tuệ như quyền sở hữu trí tuệ, cách thức đăng ký - quản lý và phân chia lợi nhuận từ việc thương mại hóa sản phẩm được đăng ký…
Có thể nói, việc tiếp cận những quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ đối với các mô hình kinh tế tập thể không hề đơn giản. Nhiều HTX mong muốn lấy địa danh tại địa phương làm tên đăng ký thành lập và sử dụng tên thành lập để đăng ký nhãn hiệu cho dễ nhớ. Thế nhưng, theo Luật về sở hữu trí tuệ, tên địa danh chỉ được sử dụng để đăng ký nhãn hiệu dùng chung (chỉ dẫn địa lý, nhận hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) cho các thành viên của một tổ chức tập thể đăng ký cho sản phẩm đặc sản, đặc trưng của từng vùng.
Ngay như thủ tục để xây dựng nhãn hiệu mang địa danh hiện nay cũng khá phức tạp nên cần phải có cơ quan quản lý, đơn vị hỗ trợ đồng hành hướng dẫn, giải thích cho các HTX trong quá trình làm hồ sơ, hoàn thiện giấy tờ cũng như quy trình sản xuất để nâng mức độ đăng ký sở hữu trí tuệ trong khu vực kinh tế tập thể, HTX nói riêng và tại Việt Nam nói chung. Trong khi thời gian từ khi nộp đơn đến lúc được cấp văn bằng thường kéo dài từ 2,5 - 3 năm (nếu đơn đăng ký suôn sẻ). Điều này khiến ít HTX có thể theo đuổi đến cùng vấn đề đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
Một khó khăn khác đó chính là vấn đề chi phí. Nhiều HTX cũng biết là cần phải đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, nhưng để hoàn thiện và ít gặp vướng mắc, HTX phải cần sự hỗ trợ từ nhiều đơn vị. Đi liền với đó là các chi phí khác nhau như chi phí xác lập quyền, chi phí tư vấn, hoàn thiện thủ tục hồ sơ, giấy tờ… Vấn đề này cũng khiến các HTX chùn bước.
Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề pháp luật, HTX cần cởi bỏ tâm lý e ngại trong các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, cởi bỏ những lo ngại vì sợ liên quan đến pháp luật. Nhiều HTX cho rằng đăng ký sở hữu trí tuệ mất nhiều công sức, phức tạp nên chỉ muốn tập trung sản xuất kinh doanh, làm sao bán được nhiều hàng là được.
Nhiều chính sách thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ
Để tạo hành lang pháp lý phù hợp đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
Tại Đồng Nai, ngày 04/5/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1262/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Đồng Nai đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là 100% các trường đại học, viện nghiên cứu được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 5-10%/năm.
Ngày 10/12/2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 30/2022/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030. Theo đó, tỉnh sẽ chi hỗ trợ kinh phí cho hoạt động đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong nước và quốc tế.
Cụ thể, khi đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong nước thì: đối với bảo hộ sáng chế, được hỗ trợ 3 triệu đồng/đơn được chấp nhận hợp lệ; đối với đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới được hỗ trợ 3 triệu đồng/đơn được chấp nhận hợp lệ; đối với bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa được hỗ trợ 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ.
Khi đăng ký bảo hộ ở nước ngoài cho các đối tượng bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới thì được hỗ trợ 60 triệu đồng/đơn được chấp nhận hợp lệ, các văn bản tương ứng theo quy định của tổ chức quốc tế hoặc quốc gia nộp đơn.
Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ được trích từ nguồn chi sự nghiệp khoa học công nghệ thuộc ngân sách tỉnh hàng năm. Sở Khoa học và Công nghệ là đơn vị phụ trách hoạt động này và có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về thủ tục, đồng thời có nhân sự hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, đơn vị về thủ tục liên quan.
Một sản phẩm được bảo hộ sẽ giúp các HTX dễ tiếp cận thị trường, thuyết phục được khách hàng và giá trị của sản phẩm cũng tăng lên. Bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng là cơ sở pháp lý để ngăn chặn các hành vi xâm hại sản phẩm, nhất là trong môi trường mạng xã hội./.
Thanh Hiền